Thursday, July 30, 2009

Người Trung Quốc muốn chiếm Nam Hải

Trần Đông Đức

( Nguon:dcvonline.com)

DCVOnline: Tác giả Trần Đông Đức giới thiệu và chuyển ngữ một bài báo được đăng trên trang web Hoa ngữ - bài Hải Quân Luận Đàm (được đăng dưới đây). Nội dung của bài thể hiện quan điểm cực đoan, bá quyền, với tham vọng thôn tính Việt Nam của một số người Trung Quốc. Đây không phải là quan điểm đươc đưa ra chính thức của Bắc Kinh, nhưng xét chiều dày lịch sử với 1000 năm Bắc thuộc, các cuộc xâm lăng nước ta triền miên sau đó và gần nhất là cuộc đánh phá 6 tỉnh biên giới phía Bắc năm 1979 cùng với việc đang đóng chiếm đảo Hoàng Sa, bài dưới đây trong chừng mực nào đó rất có giá trị để chúng ta tham khảo.

Biên tập viên của BBC Hoa Ngữ nhận xét: “Chính quyền Trung Quốc chơi lá bài dân tộc chủ nghĩa, tạo cho mình vị trí tiền phong bảo vệ dân tộc Trung Hoa nhưng đây là con dao hai lưỡi. Người viết này nay tấn công chính quyền vì không có thái độ cứng rắn về lãnh thổ với Việt Nam. Thái độ bất mãn như thế này có thể biến thành các vấn đề phức tạp hơn là một chuyện đơn lẻ. Những người này sẽ còn phê phán chính quyền vì cho rằng chính quyền thất bạí trong nhiều lĩnh vực”.


Trước hết xin giải thích về Nam Hải theo khái niệm địa lý của Trung Quốc mà có khi họ cũng gọi là Biển Đông hay là Đông Hải.

Tên tiếng Anh của Biển Đông là South China Sea – phiên dịch ra trong tiếng Trung Quốc gọi là biển Nam Trung Hoa (Nam Trung Quốc Hải) hay là giản xưng cuối cùng cũng là Nam Hải.

Tuy nhiên cách gọi Nam Hải, Nam Trung Quốc Hải này không thống nhất về mặt văn tự ngữ nghĩa.

Trong văn bản Trung Quốc nhiều khi cũng gọi là Đông Hải như tiếng Việt để chỉ South China Sea: ví dụ ca từ trong bài hát ca ngợi tình hữu nghị Việt Trung có đoạn:

"Việt Nam Trung Hoa núi liền núi sông liền sông, chung một Biển Đông mối tình hữu nghị giống như rạng đông".

Ca từ tiếng Hoa nếu phiên âm ra bằng âm Hán Việt sẽ như sau:

"Việt Nam Trung Hoa sơn liên sơn, giang liên giang, cộng lâm Đông Hải ngã môn hữu nghị tượng triều dương".

Đối với vị trí địa lý, người Trung Quốc ý thức rất rõ Biển Đông thông đạo với eo biển Malacca như một cửa khẩu quan trọng của Trung Quốc ra với năm châu bốn biển. Nếu cửa khẩu này có vấn đề thì tất cả các giao thương của Trung Quốc với thế giới bên ngoài bị đình đốn lập tức. Toàn bộ mậu dịch hàng hải của Trung Quốc như bị bóp nghẹt.

Trung Quốc đại lục thực sự không có ưu thế tiếp giáp với đại dương - vừa ra khỏi khu vực Hoàng Hải và Đông Trung Quốc Hải là đụng ngay với Nhật Bản và bị Đài Loan án ngữ. Vượt ra khỏi hải vực này là đụng với các quần đảo của Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương.

Cho nên, Nam Trung Quốc Hải (Biển Đông) là địa bàn lý tưởng nhất để Trung Quốc phát triển uy thế về hải quân.




Hải quân Luận đàm

Bài tổng hợp dưới đây được dịch từ một bài viết ký tên là Thuỷ Tinh Lang Nha đăng trên một trang web Hoa ngữ hôm 05/05/2007:

“Trung Quốc nên to gan ăn cua một lần - không phải Đài Loan - mà là Việt Nam, là Nam Hải.

Điều này có mười phần ý nghĩa quan trọng:

Thứ Nhất: Vị trí chiến lược của Nam Hải hiện tại vẫn chưa có sự xung động nguyên do là xung quanh chưa xuất hiện một cường quốc nào. Một khi xuất hiện rồi, vị trí chiến lược của Nam Hải sẽ tức tốc nổi lên. Trung Quốc mất đi Nam Hải, cũng giống như là mất hẳn sự tự do ra vào Ấn Độ Dương uy hiếp đường biển thông qua eo biển Malacca.

Thứ Hai: Vị trí địa lý của Nam Hải, điều kiện thuỷ văn thích hợp cho hải quân Trung Quốc đặc biệt là chuyện sống còn của hạm đội tàu ngầm. Nếu như Nam Hải vào tay ai khác, họ sẽ thành lập căn cứ quân sự, gài đặt hệ thống thành sonar thăm dò dưới đáy biển. Đầu này Nam Hải, đầu kia Nhật Bản, ở giữa Đài Loan là coi như là hải quân Trung Quốc chết cứng.

Thứ Ba : Một khi Việt Nam khống chế một bộ phận lớn của Nam Trung Quốc Hải, hay là âm thầm được thừa nhận, Trung Quốc sau này sẽ rất khó lòng mà lấy lại, trừ khi phát động xâm lược. Có lẽ điều này sẽ khiến một số quốc gia lo lắng (ai chưa từng chiếm lãnh qua lãnh thổ của Trung Quốc). Nếu Trung Quốc lớn mạnh thì những chuyện này đều cần được nhắc tới1. Nước Nga lo lắng cho vùng Tây Bá Lợi Á của họ, Mông Cổ tự lo lắng cho nền độc lập, Ấn Độ tự lo lắng cho vùng chiếm đóng ở Tạng Nam (phía Nam của Tây Tạng). Sợ rằng rồi Trung Quốc không thấy là dại thế nào, cũng như không thể làm gì, để chuyện xảy ra rồi thật khó mà thay đổi.

Thứ Tư: Vị trí của Việt Nam đang có một bộ phận lớn các đảo ở Nam Hải, Việt Nam tại khối ASEAN, và việc Việt Nam nằm trong chiến lược đối đầu với Trung Quốc của Mỹ đang nhanh chóng gia tăng. Sau này cục diện thiết tưởng sẽ không còn đối đầu với một quốc gia Việt Nam. Vấn đề Nam Hải sẽ càng trở nên phức tạp. Tôi dám quả quyết rằng, một khi Việt Nam chiếm hữu thành công Nam Trung Quốc Hải, hải quân Việt Nam lớn mạnh rồi họ sẽ thành một lực lượng quan trọng ở khối ASEAN. Mỹ sẽ đồn trú ở Vịnh Cam Ranh, như vậy Trung Quốc phải làm sao đây?  

Thứ Năm: Hiện tại hoặc càng sớm càng tốt phải giải quyết vấn đề ở Nam Hải, đối với Việt Nam phải cứng rắn, phải sớm đánh tan những dòm ngó của quốc gia này đối với Trung Quốc để chặn đứng việc ác hóa vấn đề Nam Hải. Vả lại từ việc cứng rắn đối với Nam Hải để xem xét thái độ của Mỹ. Nếu như Mỹ mạnh dạn can thiệp thì cũng đừng kỳ vọng là là Mỹ đứng yên để Trung Quốc dùng vũ lực giải phóng Đài Loan, mà hòa bình giải phóng đến khi nào mới được, ma quỷ mới biết? Cho nên cứng rắn đối với Việt Nam có thể giúp giải quyết vấn đề Đài Loan. Thăm dò nước khác phản ứng thế nào đối với việc Trung Quốc bảo vệ lãnh thổ có tác dụng quan trọng như việc ném đá hỏi đường.

Thứ Sáu: Hiện tại điều kiện sẵn có để cứng rắn với Việt Nam như sau:

* Đầu tiên: Việt Nam đơn phương phá hoại hiệp định. Chúng ta xuất binh đều dựa vào căn cứ và lý do là buộc Việt Nam tôn trọng hiệp định mà không phải là lý do thu phục Nam Hải (làm khối ASEAN và các nước phải im miệng) mà trên thực tế là mục đích lấy lại tuyệt đại đa số đảo ở Nam Sa (Trường Sa). Phần còn lại thông qua đàm phán để giải quyết.

* Điều thứ hai: Thực lực hải quân Việt nam vẫn còn rất yếu, chúng ta có thể dùng lực lượng nhỏ để đủ thắng hải quân Việt Nam. Ưu thế lớn nhất của chúng ta là tàu ngầm và chúng ta cần phải lợi dụng điều này. Anh Quốc đối với cuộc chiến Mã Lai hy sinh phải nói là không ít. Chúng ta không quản hy sinh mà được Nam Hải thì giá trị của nó cũng như giá trị của Mã Đảo (Eo biển Malacca!!!) đối với Anh quốc.   

* Điều thứ ba: Việt Nam và Trung Quốc là quốc gia tiếp giáp biên giới, Trung Quốc tăng cường bố trí quân lực sát biên giới để uy hiếp Việt Nam. Do Hà Nội cách biên giới Việt Trung chưa đầy hai trăm dặm, điều này làm cho Việt Nam mất đi ý chí đề kháng, tự biết sức của mình. 

* Điều thứ Tư: Hoa Kỳ đang bận rộn với nhiều chiến trận; ngoại giao và quân sự đều đang mệt mỏi. Quan trọng nhất là làn sóng phản chiến trong nội bộ Hoa Kỳ đang lên cao. Hoa Kỳ chỉ còn cách biểu lộ “quan tâm”, “lo lắng” nhưng Hoa Kỳ sẽ không chủ động can thiệp.  

* Điều thứ Năm: Nhật Bản không vì chuyện Việt Nam và Trung Quốc mà can dự, cùng lắm thì đòi lấn tới các khu dầu khí thuộc Đông Trung Quốc Hải. Chúng ta có thể vòng vo uyển chuyển. Nhưng đối với Việt Nam thì phải giải quyết nhanh chóng. Khi Nhật Bản vẫn chưa định thần, chúng ta đã giải quyết xong vấn đề Nam Hải và tuần tra vùng biển này.  

* Điều thứ Sáu: Khối ASEAN gồm mười nước là Lào, Cambodia, Miến Điện, Thái Lan, Việt Nam, Mã Lai, Singapore, Brunei, Phillipines, và Indonesia. Bốn nước chiếm các đảo của Trung Quốc gồm có Việt Nam (29 đảo), Mã Lai (3 đảo), Indonesia (2 đảo), Phillipines (7 đảo) trong lúc đó nước chủ quyền Trung Quốc chỉ có 6 đảo. Trong các nước đó chỉ có Philippines là cường liệt phản đối còn các quốc gia khác đều lấy vị trí trung lập thông qua ngoại giao như Mã Lai, Indonesia.

Chúng ta có thể tranh thủ sự ủng hộ của các nước như Cambodia, Lào, Miến Điện và Thái Lan. Một bên im lặng, một bên lên tiếng thì ASEAN không có gì phải lo sợ. Chúng ta không có sự lo sợ nào cả. Chỉ cần đứng thế trung lập với chúng ta thì mọi chuyện đều có thể vượt qua như tình huống của Cambodia, Miến Điện, Lào… Chúng ta đâu cần Việt Nam và ASEAN đối xử tốt? Tại sao lại phải lo lắng cho mình?

Tổng kết cuối cùng như sau: Việc Việt Nam chiếm lĩnh Nam Hải, trên mặt pháp lý không trụ được (vì phá hoại hiệp định 1958 (xem ở đây) trên bản đồ ghi rằng Nam Hải là của Trung Quốc) + hải quân Việt Nam yếu nhỏ + Việt Nam tiếp giáp biên giới với Trung Quốc sợ rằng khi có chiến tranh bùng nổ, kinh tế suy sụp ngay lập tức + không có Mỹ Nhật thực sự can thiệp giúp đỡ + khối ASEAN phản ứng yếu, lại có bộ phận ủng hộ chúng ta = Việt Nam không dám cùng Trung Quốc khai chiến cũng như không có thực lực để khai chiến (họ phải lo lắng về phần lục địa). Cho nên, chiến tranh đánh là không đứng lên được. Phía chúng ta cũng cần tự hỏi, tại sao Nam Hải lại quan trọng như vậy (tất chiến) và chúng ta có khả năng thu phục Nam Hải (khả chiến) mà chúng ta lại không đi đánh, vậy thì sao lại vất đi cơ hội đó, để vấn đề Nam Hải tiến tới ác hóa, quốc tế hóa”.



Bài này được lấy từ DCV online
***

No comments:

Post a Comment